24
Th03
Sáng ngày 23/03/2021 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP Quốc Gia (mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2018-2020.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP Quốc Gia; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo của 34 tỉnh thành và các doanh nghiệp, các Hợp tác xã (HTX) chủ thể OCOP tiêu biểu. Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại buổi lễ Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông) Nguyễn Minh Tiến cho biết: Chương trình OCOP Quốc Gia đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành tham gia vào đánh giá, phân hạng sản phẩm. Thông qua đó, các địa phương cũng đã cho chúng ta thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn về mục tiêu chương trình OCOP Quốc Gia trong 5 năm tới (2021 – 2025).
Việc tổng kết nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả và tác động của 03 năm thực hiện Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2018 – 2020, trong đó tập trung đánh giá về kết quả đạt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó, đề xuất định hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp và cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng về những kết quả đã đạt được trong 03 năm (2018 – 2020) của Chương trình OCOP Quốc gia, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội với Chương trình OCOP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhân đây hội nghị cũng đã tôn vinh, biểu dương và trao thưởng cho những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều sáng kiến, thành tích trong thời gian triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020.
Bên cạnh đó hội nghị cũng tổ chức trưng bày các sản phẩm từ 4-5 sao thuộc OCOP/OVOP/OTOP của các nước Nhật Bản, Campuchia, Kenya, Lào, Colombia… nhằm tạo cơ hội phối hợp với các đơn vị thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế về sản phẩm OCOP/OVOP/OTOP, đề xuất sáng kiến “Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã/làng một sản phẩm trong khối ASEAN” và được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 chấp thuận đưa vào thực hiện từ năm 2021.
Trong các đơn vị tham gia trưng bày lần này có sự góp mặt của sản phẩm OCOP Quảng Ninh, tỉnh tiên phong đi đầu trong phong trào OCOP cấp Quốc gia giai đoạn 2018 – 2020.
Cách đây 4 năm, vào ngày 02/03/2017, tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương phát kiến đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị Phát triển OCOP trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị, đã nhận diện Chương trình OCOP là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai, nhân rộng Chương trình OCOP ra toàn quốc.
Tại sự kiện, khu vực của tỉnh Quảng Ninh trưng bày OCOP chất lượng cao: trà hoa vàng của huyện Hải Hà, ruốc hàu Bavabi của Vân Đồn, rượu mơ Yên Tử và rượu ba kích Yên Tử của Uông Bí… đặc biệt trong đó có rượu mơ Yên Tử là sản phẩm rượu đầu tiên đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP Quốc Gia.
Kết quả sau gần 3 năm nỗ lực
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP. Đến nay, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, đã có 4.469/6.210 (chiếm 72%) sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020 đặt ra). Những con số đầy ấn tượng cho thấy sức lan tỏa của một chương trình quốc gia đang tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.
Để đưa các sản phẩm OCOP đến với các vùng miền, các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức 1 hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn, hội chợ OCOP cấp vùng, cấp Quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP… Các sản phẩm OCOP cũng đã được đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, điểm bán hàng OCOP, các hội chợ kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP do Bộ Công Thương tổ chức. Đã có tới 66 hội chợ về sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện, 22 tỉnh xây dựng được các điểm bán sản phẩm OCOP…
Tham gia chương trình OCOP bao gồm các hợp tác xã (chiếm 38,3%), doanh nghiệp (chiếm 27,5%), cơ sở sản xuất (chiếm 31,5%) và số ít từ các tổ hợp tác. Các chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng đã đóng góp tới 16,5% trong tổng số nguồn vốn 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia OCOP cũng đã nỗ lực để phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là hệ thống của Central Retail, Saigon Co.op, Mega Market… và một số siêu thị địa phương. Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP chất lượng của Việt Nam ra với khu vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế về sản phẩm OCOP (iOCOP), đề xuất sáng kiến “Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã/làng một sản phẩm trong khối ASEAN” và được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 chấp thuận đưa vào thực hiện từ năm 2021.
Cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ Chương trình còn bộc lộ một số hạn chế. Sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm. Cá biệt có nơi còn chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì mẫu, mã đẹp nhưng chất lượng chưa tương xứng, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, hiệu quả thấp…
Mục tiêu cho giai đoạn mới
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sẽ phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.
Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; và xây dựng văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai chương trình. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ phát triển sản xuất và mở rộng đối tượng cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện chương trình theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Hội đồng OCOP quốc gia cũng đang tổ chức đánh giá và phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao từ các địa phương đăng ký. Trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia đây sẽ là cơ hội để mở rộng và thúc đẩy thị trường.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với thành phố tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch sinh thái của Quốc gia tại Thủ đô Hà Nội”.
Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đã diễn ra thành công và tốt đẹp. Với sự chỉ đạo, hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương mong rằng giai đoạn 2020 – 2025 sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đưa các sản phẩm địa phương đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Xem thêm
Tham khảo:
Báo Chính phủ về chương trình OCOP Quốc Gia
Nguồn: ruoumoyentu.vn
VỀ CHÚNG TÔI
Thang Long Brewery tiền thân là Xí nghiệp bia Thăng Long, được thành lập năm 2001 tại Uông Bí, Quảng Ninh. Công Ty TNHH Đồ Uống Truyền Thống Việt Nam (gọi tắt là VTB) là đại diện thương mại của Thang Long Brewery, được thành lập năm 2017. VTB trực tiếp phân phối các sản phẩm rượu đặc sản OCOP Quốc Gia: rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích Yên Tử, rượu mơ Song Lộc, rượu gạo Cuốc Lủi. Tập thể cán bộ Công ty luôn mong muốn mang đến khách hàng trong và ngoài nước các sản phẩm đồ uống truyền thống Việt Nam đạt chuẩn chất lượng Quốc tế, tốt cho sức khỏe, được làm từ nông sản sạch có nguồn gốc rõ ràng, ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại, giám sát chất lượng chặt chẽ theo tiêu chuẩn Quốc tế.