fbpx

Quảng Ninh thực hiện kiểm tra, rà soát các sản phẩm OCOP năm 2021

Quảng Ninh thực hiện kiểm tra, rà soát các sản phẩm OCOP năm 2021

18

Th10

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh do Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì vừa qua đã tiến hành kiểm tra và rà soát đối với các sản phẩm thuộc chương trình OCOP trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Tại các địa phương đoàn tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, rà soát các sản phẩm tham gia OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm, làm việc với Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện.

OCOP Quảng Ninh

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh xác định là yếu tố cốt lõi trong công cuộc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng và phát triển nông thôn mới. Từ đó, tiếp tục khai thác thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đầu giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh với quy chế làm việc cụ thể, kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tham mưu, giúp việc. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh cũng ban hành hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã phê duyệt đề cương, dự toán và lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề án chương trình OCOP. Hiện đang tiến hành khảo sát, xây dựng thuyết minh đề án, dự kiến hoàn thành trong quý III năm nay.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh còn tăng cường quản lý tiêu chuẩn sản phẩm theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, từ đó hướng dẫn các đơn vị sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận; xử lý những vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch… Đồng thời, nghiên cứu thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo OCOP.

Kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm

Tính đến thời điểm kiểm tra rà soát (từ tháng 8/2021), toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm, trong đó số sản phẩm đạt sao là 238 sản phẩm (3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm được cấp sao duy trì được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời được nâng cấp và cải tiến chất lượng bào bì thân thiện với người tiêu dùng. Thêm vào đó, 90% sản phẩm tham gia chương trình đều đã được dán tem điện tử, có mã số, mã vạch…

Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời, phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch và dịch vụ.

Chương trình tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân và thương hiệu OCOP từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế

Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Đã được Trung ương ghi nhận và nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh từ 10.5 triệu đồng/người vào năm 2010 lên 47 triệu đồng/người vào năm 2020, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.

Các doanh nghiệp được đầu tư và hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đạt chuẩn GMP, ISO, HACCP nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng đồng đều hơn, sản lượng nhiều hơn, đặc biệt là đã khắc phục được nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến. Điển hình trong việc đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị là các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Sản xuất và TMDV Thăng Long (Uông Bí), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Vân Đồn); Cơ sở chả mực Bà Nụ (Vân Đồn); Công ty CP Sữa An Sinh (Đông Triều)…

Những khó khăn gặp phải

Hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như mặt bằng nhà xưởng phục vụ sản xuất còn gặp khó khăn, chưa có nhiều chủ thể sản xuất được thụ hưởng chính sách hỗ trợ liên quan đến Chương trình OCOP, một số địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hoàn thiện hồ sơ tham gia thi đánh giá phân hạng sản phẩm, dẫn đến nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhưng chưa được hoàn thiện để tham gia đánh giá phân hạng sao, có sản phẩm vào OCOP từ năm 2015 nhưng 2016 vẫn chưa lập hồ sơ đánh giá.

Tính đến thời điểm kiểm tra toàn tỉnh có 262 sản phẩm (52,4%) chưa được thi đánh giá phân hạng sao. Việc phát triển vùng nguyên liệu tại một số địa phương còn tồn đọng nhiều khó khăn, hiện nay chưa có biện pháp hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm dẫn đến nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất và phải đưa ra khỏi OCOP. Trong lần khảo sát này đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiến nghị đưa 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã cấp sao và 43 sản phẩm chưa được cấp sao.

Trước những khó khăn, hạn chế bất cập nêu trên, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các Sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất trong thời gian tới. Kiến nghị thu hồi Chứng nhận đạt sao đối với 13 sản phẩm OCOP và ban hành Quyết định đưa 56 sản phẩm đã dừng sản xuất và không có khả năng hoàn thiện và phát triển ra khỏi Chương trình OCOP.

Khắc phục sau COVID – 19

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường. Toàn tỉnh hiện có 31 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các điểm bán hàng OCOP đều có biển hiệu gắn logo, có giá kệ hàng hóa, máy đọc giá, tính tiền, in hóa đơn tự động.

Các điểm bán hàng ngoài giới thiệu các sản phẩm OCOP trong tỉnh, còn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của các tỉnh thành trong cả nước, các điểm còn đa dạng các mặt hàng đóng gói, đóng hộp, kết hợp với các sản phẩm OCOP thuộc nhóm sơ chế chế biến, hàng tươi sống (thịt, hải sản, rau củ quả tươi…) phục vụ nhu cầu thiết yếu. Một số điểm còn có website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua mạng internet và phục vụ tận nhà…

Những sản phẩm mới tham gia OCOP chưa được đánh giá phân hạng sẽ được tiếp tục hoàn thiện đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, thiết kế bao bì tem nhãn sản phẩm, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm; xây dựng hồ sơ chuẩn bị tham gia đánh giá phân hạng sao năm 2021.

Việc tiêu thụ sản phẩm được các đơn vị quan tâm kết nối vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là việc đưa sản phẩm tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn Thương mại điện tử uy tín như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, tiki.vn;Voso.vn… điển hình như: Sàn postmart.vn 136 sản phẩm; Sàn voso 121 sản phẩm; Sàn Sen do 115 sản phẩm. Trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh hiện có 272 sản phẩm OCOP, nông sản của 73 DN/HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến .

6 tháng cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác để triển khai hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh giao: Một là, hoàn thành thuyết minh đề án OCOP giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.

Hai là, tập trung cho công tác phát triển sản phẩm, phát triển tổ chức, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển mới ít nhất 50 sản phẩm và 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; tổ chức tốt cuộc thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh lần thứ V, phấn đấu có ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 3 -4 sao, lựa chọn các sản phẩm đạt từ 90 điểm trở lên để dự thi đánh giá phân hạng 5 sao cấp quốc gia.

Ba là, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 20/KH-BCĐ ngày 8/2/2021 của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh về triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2021, trong đó tập trung các hoạt động đào tạo tập huấn cán bộ các cấp về mục tiêu nhiệm vụ Chương trình OCOP giai đoạn mới. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên đề liên quan đến phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm- nội thất, trang trí, giải pháp để phát triển doanh nghiệp, HTX từ các nhóm hộ sản xuất; phát triển và nâng cao hiệu quả các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng Hệ thống nhóm tiêu chuẩn kiểm nghiệm chính cho các sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP để thực hiện chủ đề công tác năm.

Nguồn: ruoubakich.com.vn

Tổng hợp

VỀ CHÚNG TÔI

Thang Long Brewery tiền thân là Xí nghiệp bia Thăng Long, được thành lập năm 2001 tại Uông Bí, Quảng Ninh. Công Ty TNHH Đồ Uống Truyền Thống Việt Nam (gọi tắt là VTB) là đại diện thương mại của Thang Long Brewery, được thành lập năm 2017. VTB trực tiếp phân phối các sản phẩm rượu đặc sản OCOP Quốc Gia: rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích Yên Tử, rượu mơ Song Lộc, rượu gạo Cuốc Lủi. Tập thể cán bộ Công ty luôn mong muốn mang đến khách hàng trong và ngoài nước các sản phẩm đồ uống truyền thống Việt Nam đạt chuẩn chất lượng Quốc tế, tốt cho sức khỏe, được làm từ nông sản sạch có nguồn gốc rõ ràng, ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại, giám sát chất lượng chặt chẽ theo tiêu chuẩn Quốc tế.

Quay lại trang chủ Rượu mơ